Thực hiện công văn số:542 /UBND-VX, ngày 18/3/2024 V/v triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dại. Số 01/CĐ-CT, ngày 26/3/2024 V/v tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn thành phố. Số:116 /PGDĐT, ngày 1/4/2024 V/v triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dại.
Như chúng ta đã biết: Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người mắc bệnh dại khi đã lên cơn tỉ lệ tử vong là 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc chữa đặc hiệu. Tiêm vắc-xin phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.
Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu cho người (96-97%). Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với dịch tiết, chất tiết của bệnh nhân mắc bệnh dại.
Người bị động vật nhiễm virus dại cắn sẽ ủ bệnh trong khoảng 1-3 tháng sau phơi nhiễm, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh lên tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Bệnh khởi phát với các triệu chứng ban đầu như sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu… Giai đoạn viêm não tủy xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: kích động, sợ ánh sáng, tiếng động và gió (thể dại điên cuồng) hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt). Ngoài ra bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…, tiến tới hôn mê và thường tử vong sau 7-10 ngày.
Với khẩu hiệu:
“CỘNG ĐỒNG CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI”
Trường mầm non Thái Sơn cùng chung tay thực hiện tốt và tuyên truyền tới người dân các biện pháp như sau:
1. Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
2. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, làng trên địa bàn xã thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “Không nuôi chó thả rông”, “Không để chó cắn người”, “Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”
3. Tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
4.Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.
5.Tiêm nhắc lại theo định kỳ: Áp dụng cho những người do công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi rút dại và chỉ tiêm nhắc lại 1 liều khi xét nghiệm chuẩn độ kháng thể dại ở mức dưới 0,5Ui/ml.
6. Khi bị chó, mèo cắn phải: Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn hay cào trong 15 phút với nước và xà phòng,hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 đến70 độ hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.
Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng hay bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.
Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Thân ái!